Ngày nay, phân tích kỹ thuật trở thành một phương pháp phân tích được hầu hết các trader giao dịch trong các thị trường tài chính tin dùng, đặc biệt là trong các thị trường lớn như Forex và chứng khoán. Tuy nhiên, có không ít người lao vào học hết công cụ phân tích này đến chỉ báo kĩ thuật kia mà bỏ qua một nền tảng cực kỳ quan trọng đó chính là Lý thuyết Dow.
Lý thuyết Dow là lý thuyết cơ bản, quan trọng bậc nhất và là nền tảng của phương pháp phân tích kỹ thuật, hầu hết các lý thuyết khác trong thị trường tài chính đều được phát triển dựa trên lý thuyết Dow.
Lý thuyết Dow không chỉ được áp dụng trên các thị trường tài chính như Forex, chứng khoán, tiền điện tử mà nó còn đúng với sự phát triển hàng nghìn năm của lịch sử loại người.
Lý thuyết Dow đưa ra 3 giả thuyết chính sau:
– Không ai có thể thao túng thị trường tài chính (trong dài hạn)
– Mọi diễn biến trên thị trường đều được phản ánh qua giá cả
– Thị trường luôn tồn tại dưới 3 xu hướng: Xu hướng chính (Cấp 1), Xu hướng thứ cấp (Cấp 2), Xu hướng ngắn hạn (Xu hướng nhỏ)
Lịch sử hình thành Lý thuyết DOW
Charles. H. Dow, một trong những đồng sáng lập của tờ nhật báo nổi tiếng thế giới The Wall Street Journal (WSJ) là người đã sáng tạo ra các chỉ số bình quân thị trường chứng khoán vào năm 1897. Một trong các chỉ số đó vẫn được sử dụng đến ngày nay, điển hình là Chỉ số bình quân công nghiệp Dow – Jones nổi tiếng thế giới mà chúng ta vẫn thường xuyên theo dõi ngày nay.
Ban đầu, các nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow được hình thành thông qua một loạt các bài xã luận do ông viết và được đăng tải trên tờ Wall Street Journal. Những bài viết này thể hiện niềm tin của Charles. H. Dow về cách phản ứng của thị trường chứng khoán cũng như cách thức đo lường sức khỏe thị trường tài chính để tìm kiếm lợi nhuận.
Năm 1902, sau khi Charles H. Dow qua đời, cộng sự của ông William P. Hamilton cũng chính là người thay ông giữ chức biên tập tờ Wall Street Journal đã tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện các lý thuyết mà Dow đã nghiên cứu và sau này cho ra đời Lý thuyết Dow hoàn thiện và phổ biến rộng rãi hơn. Ngày nay, toàn bộ những lý thuyết phân tích kỹ thuật của thị trường tài chính hiện đại mà chúng ta biết tới đều bắt nguồn từ lý thuyết Dow.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn các nguyên lý cơ bản của Lý thuyết Dow trong mục tiếp theo.
6 nguyên lý cơ bản của Lý thuyết Dow
Nguyên lý số 1: Thị trường phản ánh tất cả
Theo nguyên lý này, giá cả phản ánh tất cả những thông tin, diễn biến đang xảy ra trên thị trường. “Thông tin” mà Charles H. Dow nói tới đây bao gồm tất cả mọi thứ từ cảm xúc nhà đầu tư khi giao dịch cho đến các chỉ số như lạm phát, dữ liệu lãi suất… thậm chí các tác động không thể biết trước như động đất, sóng thần hay khủng bố… đều được phản ánh qua giá cả các cổ phiếu, hàng hóa được giao dịch trên thị trường.
“Tổng và xu thế của các giao dịch trên sàn chứng khoán thể hiện tổng lượng thông tin của Phố Wall trong quá khứ, kể cả quá khứ gần đây lẫn xa xưa, được ứng dụng để phán ánh tương ai. Giống như một số nhà thống kê vẫn thường làm, chúng ta không cần phải bổ sung vào chỉ số trung bình như các chỉ số giá hàng hóa, hoạt động thanh toán bù trừ của ngân hàng, dao động tỷ giá hối đoái, khối lượng giao dịch trong và ngoài nước hay bất cứ thứ gì. Wall Street sẽ cân nhắc tất cả những điều này.”
(Halmington, trang 40-41)
Bản chất của việc phân tích kỹ thuật trên thị trường tài chính là chúng ta phân tích giá cả trong quá khứ và xem xét diễn biến ở hiện tại để dự báo giá cả trong tương lai. Chúng ta có thể thấy điều mà mọi thành phần tham gia trên thị trường đều tập trung vào đó chính là giá cả. đây cũng là điều cốt lõi mà lý thuyết Dow nói đến.
Trên thực tế, rất nhiều trader giao dịch theo phương pháp hành động giá (Price Action), tức là chỉ cần quan sát biến động của giá cả để phân tích và dự đoán xu hướng sắp tới mà không cần phải đọc thông tin thị trường hay dùng những chỉ báo phức tạp.
Nguyên lý số 2: Thị trường có 3 xu hướng
Xu hướng chính – Cấp 1 (Primary movement): xu hướng cấp 1 là xu hướng quan trọng nhất để xác định thị trường, ảnh hưởng đến sự biến động giá cả cổ phiếu. Xu hướng chính cũng sẽ tác động đến các xu hướng phụ và xu thế nhỏ trong thị trường. Xu hướng này rất dài từ một năm đến vài năm. Không ai có thể thực sự dự đoán được những chu kỳ này và nó cúng không thể bị thao túng bởi những tổ chức lớn.
Xu hướng thứ cấp – Cấp 2 (Medium swing): Theo lý thuyết Dow, nếu xu hướng chính chỉ chuyển động theo một hướng nhất định thì sẽ luôn có một xu hướng phụ sẽ di chuyển theo hướng ngược lại với xu hướng chính. Độ dài của những loại xu hướng này thường kéo dài từ 1 đến vài tháng.
Xu hướng nhỏ – Xu hướng ngắn hạn (Minor movements): Đây là xu hướng dùng để điều chỉnh hoặc có những biến động giá đi ngược lại với xu hướng cấp 2, nó thường kéo dài từ vài giờ đến dưới một tháng. Do tính chất ngắn hạn của nó, dạng xu hướng này có khả năng bị thao túng với những nhóm người hoặc tổ chức lớn.
Lưu ý:
- Xu hướng cấp 1 không nhất thiết chỉ là xu hướng tăng, ngược lại xu hướng cấp 2 không nhất thiết chỉ là xu hướng giảm.
Nguyên lý số 3: Ba giai đoạn của xu hướng chính
Theo lý thuyết Dow, trong một xu hướng chính của thị trường tăng có 3 gia1 đoạn đó là giai đoạn tích luỹ, giai đoạn bùng nổ phát triển bền vững và giai đoạn cao trào quá mức. Ngược lại, với thị trường giảm thì 3 giai đoạn sẽ là giai đoạn phân phối, giai đoạn giảm mạnh và giai đoạn tuyệt vọng.
Trong xu hướng tăng chính (Uptrend)
-
Giai đoạn tích lũy
Trong giai đoạn này, thị trường đi ngang trong một thời gian dài, giá cả giao động với biên độ rất nhỏ. Không có những thông tin mạnh tác động đến thị trường. Những nhà đầu tư có vốn mỏng đang cảm thấy chán nản, sốt ruột vì trong một thời gian dài giá không tăng được là bao, thậm chí có lúc giảm. Thông thường đây là thời gian “gom hàng” của các tổ chức lớn, những cá mập của thị trường. Các tổ chức hay quỹ tài chính lớn mua vào một phần vì họ có nguồn vốn dồi dào, một phần vì họ có tầm nhìn xa hơn, nhìn thấy những dấu hiệu tích cực trong tương lai sắp tới của thị trường.
-
Giai đoạn bùng nổ phát triển bền vững
Sau khi đã trải qua một giai đoạn dài đầy ức chế thách thức sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thoát khỏi thị trường. Lúc này bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực và khả quan làm cho các nhà đầu tư bắt đầu mua vào và mua với một số lượng cổ phiếu ngày một lớn dần lên, đẩy giá cố phiếu đi lên nhanh chóng. Trong giai đoạn này, các tin tức lạc quan hơn bắt đầu được tung ra, kéo nhiều nhà đầu tư quay trở lại, đẩy giá càng ngày càng tăng cao hơn.
Đây là giai đoạn kéo dài nhất, có biến động giá cả lớn nhất và cũng là giai đoạn mà hầu hết các nhà giao dịch bắt đầu nắm giữ các vị thế dài hạn và thu lợi nhuận.
-
Giai đoạn cao trào quá mức
Đây là giai đoạn giá các cổ phiếu, hàng hóa tăng một cách chóng mặt, tuy nhiên lại không diễn ra trong thời gian dài. Các tin tức tốt vẫn liên tục xuất hiện kích thích các nhà đầu tư đổ thêm tiền vào thị trường. Thị trường đang có mức tăng gần như dựng đứng. Đây cũng là giai đoạn mà rất nhiều nhà đầu tư mới nhảy vào thị trường và bị “Đu đỉnh”, họ không hề biết họ chính là những người cuối cùng đại diện cho phe mua bước vào giai đoạn cuối trong xu hướng tăng của thị trường.
Trong giai đoạn này thì có một bộ phận nhà đầu tư không nhỏ mà trước đó đã tích lũy được một số lượng cổ phiếu lớn rồi bây giờ bắt đầu chốt lời dần. Một số khác có sự nghi ngờ đà tăng của thị trường và đã chuẩn bị tâm lý bán.
Việc phe mua không còn hùng hổ lao vào thị trường cùng với động thái bắt đầu vào cuộc của phe bán khiến cho xu hướng tăng trở nên yếu dần, chuẩn bị cho một xu hướng giảm sắp bắt đầu trong thời gian tới.
Trong xu hướng giảm chính (Downtrend)
-
Giai đoạn phân phối
Giai đoạn đầu tiên trong xu hướng giảm được gọi là giai đoạn phân phối, khi mà người mua bắt đầu thông báo bán (phân phối) cổ phiếu, hàng hóa mà họ đã mua được với giá thấp ở trước đó.
Trong giai đoạn này, nhà đầu tư vẫn rất lạc quan về thị trường, kỳ vọng về mức độ thị trường tăng cao hơn. Đây cũng là giai đoạn mà những người cuối cùng của phe mua tham gia thị trường, đặc biệt là những người đã bỏ lỡ cơ hội trước đó đã tham gia và hy vọng sẽ có một bước tương tự trong tương lai gần.
-
Giai đoạn giảm mạnh
Đây là giai đoạn thị trường bắt đầu xuất hiện những thông tin tiêu cực làm cho các nhà đầu tư lo lắng và liên tục bán ra cổ phiếu, hàng hóa mình nắm giữ. Trong giai đoạn này, điều kiện kinh doanh trên thị trường càng ngày càng tồi tệ và tâm lý nhà giao dịch cũng trở nên tiêu cực hơn. Thị trường liên tục giảm giá với áp lực bán ngày càng tăng mạnh trong khi đó phe mua gần như không tham gia vào thị trường.
-
Giai đoạn tuyệt vọng
Giai đoạn cuối cùng của thị trường giảm chứa đầy sự hoảng loạn và rất dễ dẫn đến việc bán tháo trong một khoảng thời gian ngắn. Trong giai đoạn này, thị trường chỉ toàn màu xám xịt với những thông tin cực xấu tác động đến thị trường.
Rất nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của họ trong hoảng loạn, đây thường là những người mới tham gia thị trường trong giai đoạn quá độ của lần tăng giá trước đó.
Nguyên lý số 4: Các chỉ số trung bình phải củng cố lẫn nhau
Theo lý thuyết Dow, việc đảo chiều từ thị trường tăng sang thị trường giảm không thế nào được xác nhận nếu không có sự xác nhận từ 2 chỉ số (theo truyền thống là Chỉ số trung bình công nghiệp và đường sắt). Điều này có nghĩa là các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của chỉ số này phải tương đồng hoặc củng cố cho tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của chỉ số khác.
Ví dụ: nếu chỉ số như Trung bình công nghiệp Dow Jones xác nhận 1 xu hướng giá tăng mới, nhưng chỉ số Trung bình vận tải Dow Jones vẫn nằm trong xu hướng giá giảm, như vậy không thể nào xác nhận được xu thế tăng có thể xảy ra.
Nguyên lý số 5: Khối lượng giao dịch là điều kiện để xác nhận xu hướng
Theo lý thuyết Dow, khối lượng là yếu tố quan trọng để xác nhận xu hướng. Khối lượng giao dịch tăng chính tỏ có nhiều người quan tâm hơn. Nhiều người quan tâm hơn đồng nghĩa là hình thành xu hướng trong đám đông, dẫn đến hình thành xu hướng chính trong thị trường.
Như vậy trong trường hợp khối lượng chạy ngược với xu hướng (giá tăng nhưng khối lượng giảm, giá giảm nhưng khối lượng giao dịch tăng) đó là dấu hiệu của sự yếu kém trong xu hướng hiện tại và có thể sẽ có sự đảo chiều xu hướng trong thời gian tới.
Nguyên lý số 6: Xu hướng sẽ được duy trì cho đến khi dấu hiệu đảo chiều xuất hiện
Theo lý thuyết Dow, rất khó để một xu hướng chính đột ngột đảo chiều. Việc đảo chiều đột ngột thường chỉ xảy ra với các sóng ngắn (minor). Với các sóng thứ cấp cũng có thể xảy ra nhưng ít hơn.
Trong trường hợp này, các nhà đầu tư theo Lý thuyết Dow thường khó xác định được liệu nó là sự đảo chiều của xu hướng chính (primary) hay chỉ là một sự điều chỉnh trong xu hướng.
Nếu chúng ta không chắc chắn xu hướng hiện tại có tiếp diễn hay không, hãy đứng ngoài thị trường quan sát cho tới khi có những tín hiệu rõ ràng về việc tiếp diễn hoặc đảo chiều xu hướng hiện tại.
Ví dụ: Trong một xu hướng tăng, điều kiện để xu hướng tiếp diễn là giá phải tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước. Nếu giá không tạo được đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, chứng tỏ xu hướng tăng đã suy yếu. Tuy nhiên, bạn cũng không nên vội kết luận rằng giá sẽ đảo chiều chuyển sang xu hướng giảm ngay khi có dấu hiệu cho thấy giá không tạo được đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, điều kiện đủ để giá thực sự chuyển sang xu hướng giảm là khi giá tạo một đáy sau thấp hơn đáy gần nhất dẫn đến đỉnh trước đó.
3. Áp dụng lý thuyết Dow trong giao dịch Forex
– Thông thường giao dịch theo xu hướng chính sẽ an toàn và hiệu quả hơn giao dịch theo xu hướng phụ.
– Những phương pháp phân tích kỹ thuật rất phổ biến hàng ngày các trader hay dùng như phương pháp dùng Hành động giá (Price Action) hay phương pháp giao dịch Break Out đều bắt nguồn từ những nguyên lý căn bản của lý thuyết Dow được nêu ở trên, tuy nhiên nhiều người chỉ áp dụng máy móc mà không biết nguồn gốc thực sự của phương pháp. Các bạn hãy thử suy luận xem 2 phương pháp nêu trên bắt nguồn từ nguyên lý nào nhé!
– Trong thị trường Forex, xu hướng cũng như độ dài của chúng còn tùy vào chiến lược giao dịch của từng trader. Do đó chúng ta có thể áp dụng nguyên lý 3 xu hướng của thị trường ở các khung thời gian nhỏ hơn.
Ví dụ trader dài hạn nhìn xu hướng chính theo khung tuần W1, xu hướng phụ theo khung ngày D1, và xu hướng ngắn hạn theo khung H4. Tuy nhiên, đối với những người giao dịch trong ngày (Day Trader), thông thường họ sẽ xem xu hướng chính trên khung H4, xu hướng phụ trên khung H1 hoặc M30, xu hướng ngắn hạn trên khác khung M15 hoặc M5.
– Nguyên lý số 5 của Lý thuyết down về khối lượng giao dịch đối với việc xác nhận xu hướng trong thị trường Forex sẽ không được chính xác như trong thị trường chứng khoán bởi Forex là thị trường phi tập trung do đó với cùng một loại hàng hóa, khối lượng giao dịch trên các sàn khác nhau sẽ chênh lệnh khá lớn.
4. Lời kết
Lý thuyết Dow có thể là một nội dung tương đối trừu tượng đối với những bạn mới tham gia vào thị trường tài chính, tuy nhiên các bạn hãy kiên nhẫn đọc lại những lý thuyết nền tảng và rất căn bản này để hiểu rõ được bản chất của thị trường mà chúng ta đang tham gia, không chỉ trong thị trường Forex mà còn trong thị trường tài chính nói chung.
Việc hiểu rõ các nguyên lý của Lý thuyết Dow sẽ giúp các bạn thành công hơn trong quá trình giao dịch trên các thị trường tài chính thông qua phương pháp phân tích kỹ thuật. Chúc các bạn thành công và may mắn!
Cùng thảo luận bài viết