Năm 1992, George Soros đã làm 1 cú knock out Ngân hàng Anh, điều này không chỉ giúp Soros bỏ túi hơn 1 tỷ USD, mà còn khiến cho tên tuổi của ông đã được liệt kê vào danh sách những “thiên tài bán khống” bên cạnh Jesse Livermore, John Paulson, Steve Eisman, Michael Burry, Jamie Mai, Charlie Ledley, David Einhorn….
Mặc dù Soros đã từng thực hiện rất nhiều các cú “Short”, sell khống trong quá trình điều hành quỹ Quantum Fund, nhưng việc phá hủy Ngân Hàng Anh đến từ 1 cá nhân như Soros là 1 điểu gần như không tưởng. Để làm được như vậy đỏi hỏi Soros cùng các cộng sự phải có kiến thức về tỷ giá hối đoái, các công cụ kinh tế vĩ mô chính phủ sử dụng để kích thích nền kinh tế và cách các quỹ phòng hộ kiếm tiền. Cũng chính nhờ hành động táo bạo đã mang về cho Soros không chỉ tiền bạc mà còn là danh tiếng và sự kính nể, và sự kiện đánh sập ngân hàng Anh cũng được xem như là phi vụ lớn nhất, ấn tượng nhất thế kỷ 20.
Hy vọng bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn quá trình bán khống của George Soros, và cách các Big Boys buôn tiền như thế nào. Ngoài ra, cũng là để minh chứng 1 điều rằng bất cứ thứ gì trên đời này đều có thể xảy ra. Kể cả việc 1 cá nhân dám đánh bại cả hệ thống ngân hàng đã tồn tại từ rất lâu đời, miễn là họ tìm ra được điểm yếu hay gót chân Asin, thì không có gì là không thể!
Hãy bắt đầu câu chuyện từ chính châu Âu
Sau chiến tranh thế giới 2, các nước châu Âu muốn hợp nhất với nhau để tạo ra 1 thị trường chung nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ. Điều này càng thể hiện rõ ràng khi cả liên minh chưa có 1 loại tiền tệ chung nào cho tới tận năm 1999.
Tiền thân của đồng tiền chung châu Âu chính là Cơ chế tỷ giá hối đoái (hay European Exchange Rate – ERM) được thành lập vào năm 1979, là một hệ thống mà các thành viên trực thuộc buộc phải duy trì tỷ giá trong 1 mức nhất định. Thực tế, các quốc gia chưa sẵn sàng từ bỏ đồng nội tệ nhưng vẫn đồng ý giữ tỷ giá hối đoái tại 1 mức nhất định thay vì thả nổi và để thị trường vốn thiết lập tỷ giá.
Thời điểm đó, Đức có nền kinh tế mạnh nhất, nên mỗi quốc gia đều đặt giá trị tiền tệ neo với tiền Mác Đức, đồng ý duy trì tỷ giá hối đoái giữa tiền tệ và tiền Đức trong một biên độ chấp nhận được cộng hoặc trừ 6% so với tỷ giá thỏa thuận.
Với tỷ giá hối đoái cố định các quốc gia không thể nào chỉ thiết lập xong rồi bỏ mặc để đấy. Bởi do nhu cầu giao dịch tiền tệ mỗi ngày mua hàng nhập khẩu hoặc bán hàng xuất khẩu, và chính thị trường tạo ra biến động dựa trên tỷ giá thực tế trong cung và cầu của một loại tiền tệ. Nên nếu giữ tỷ giá cố định, chính phủ bắt buộc phải tham gia vào thị trường để điều tiết theo hướng nhất định.
Chính phủ có thể quản lý tiền tệ theo hai cách: lấy dự trữ ngoại tệ mua đồng nội tệ trên thị trường mở làm đồng tiền tăng giá. Trong trường hợp làm ngược lại sẽ khiến tiền tệ bị mất giá.
Hoặc gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái thông qua việc thiết lập lãi suất. Nếu muốn tiền tệ tăng giá trị, chính phủ sẽ tăng lãi suất để kích thích mọi người mua tiền và cho vay số tiền đó với lãi suất cao hơn. Ngược lại, việc cắt giảm lãi suất sẽ khiến nhà đầu tư cảm thấy thiếu hấp dẫn và họ sẽ đi tìm các quốc gia, khu vực hay những thị trường nào đó có lợi nhuận lãi suất cao hơn.
Lãi suất sẽ gây ảnh hưởng lớn lao đến toàn bộ nền kinh tế, được xem như là đòn bẩy mà chính phủ sử dụng để điều chỉnh kinh tế. Nếu đang trong giai đoạn suy thoái, chính phủ sẽ cắt giảm lãi suất để thúc đẩy đầu tư và chi tiêu. Nếu lạm phát cao, chính phủ có thể tăng lãi suất để thu hẹp nguồn cung tiền.
Chính vì thế, nếu duy trì tỷ giá hối đoái cố định, cơ quan nắm bắt chính sách tiền tệ đôi khi sẽ phải có những chính sách mâu thuẫn với chính kế hoạch họ đề ra, để giữ cho nền kinh tế được khỏe mạnh.
Anh gia nhập ERM
Vào giai đoạn những năm 1990, Anh được xem như là quốc gia sử dụng 1 số chức năng từ bên ngoài để trói buộc chính sách tiền tệ. Lạm phát cao, năng suất thấp, xuất khẩu không cạnh tranh nên không ai tin rằng chính phủ đủ khả năng khắc phục vấn đề này.
Thời điểm đó, thủ tướng Margaret Thatcher kiên quyết phản đối việc tham gia ERM, bà cho rằng tỷ giá đồng bảng Anh nên để thị trường tự thiết lập. Tuy nhiên, đến năm 1990, do Thatcher không đủ sức chống lại các thành viên khác trong đảng Bảo thủ, cũng chính là những người đang muốn Anh tham gia vào cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM). Nên Vào tháng 10 năm 1990, Anh cuối cùng đã gia nhập ERM với tỷ giá 1 bảng Anh (GBP) bằng 2,95 đồng Mác Đức (DM). Chính phủ Anh có nghĩa vụ giữ tỷ giá hối đoái trong vòng 2,78 DM đến 3,13 DM.
Và người “góp công” lớn vào việc Anh tham gia ERM chính là cựu thủ tướng John Major, người từng giữ rất nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng tài chính, Bộ trưởng Ngân khố dưới thời bà Margaret Thatcher, là nguyên nhân chính dẫn đến “Ngày thứ 4 đen tối” của Anh sau này.
Sau khi thay thế bà Margaret Thatcher, John Major ngay lập tức để Anh gia nhập Hệ thống tỷ giá hối đoái cố định ERM. Vì ông cho rằng, ERM sẽ đóng vai trò như là một hệ thống “điều khiển tự động” giữ cho chính sách tiền tệ Anh đi đúng hướng. Dù muốn dù không, Chính phủ không thể nào sử dụng cung tiền (Money Supply: tổng lượng tiền đang lưu thông có trong hệ thống ngân hàng, cơ quan doanh nghiệp ngoài ngân hàng, hay tiền được giữ trong dân), vì nó đã bị trói buộc bởi tỷ giá hối đoái thỏa thuận.
Thực tế, điều này phần nào cho thấy việc tham giao vào ERM cũng có tác dụng với nền kinh tế Anh, kể từ năm 1990 đến năm 1992, lạm phát giảm, lãi suất giảm và tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp kỷ lục. Mặc dù tới năm 1992, Anh cũng chịu sự tác động suy thoái kinh tế toàn cầu nên tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 12,7% so với năm trước đó chỉ đạt mức 7,7%.
Chính vì thế, vào năm 1992, Anh bắt buộc phải có 1 số hành động thúc đẩy đầu tư và chi tiêu bằng cách cắt giảm lãi suất vì khủng hoảng việc làm. Nhưng cũng chính vì việc này đã đẩy đồng bảng Anh xuống dưới mức thỏa thuận ban đầu.
Lúc đó Soros đang ở đâu?
Năm 1992, George Soros đã 62 tuổi và đang lãnh đạo Quỹ Quantum Fund, một quỹ phòng hộ do chính ông thành lập năm 1970 chuyên đặt cược vào các xu hướng kinh tế vĩ mô. Soros vào thời điểm đó đã là một tỷ phú, nhưng ông vẫn chưa thực sự được chú ý nhiều lắm, trở thành 1 biểu tượng hay là người của công chúng 1 cách thực sự.
Quỹ phòng hộ thực tế là 1 cái tên hoàn toàn xa lạ với nhiều người bởi cách thức hoạt động khá phức tạp, không giống với các quỹ thông thường, đặc biệt là vào thời điểm năm 1992, chỉ sau khi Soros “đánh úp” thành công đồng bảng Anh, người ta mới bắt đầu quen thuộc hay tìm hiểu nhiều hơn về quỹ này.
Vậy quỹ phòng hộ chính xác là loại quỹ gì? Xét đơn giản đây là 1 dạng quỹ thường thực hiện các giao dịch mang tính rủi ro cao, các quỹ phòng hộ có thể sử dụng các công cụ tài chính để phòng ngừa rủi ro, chống lại các rủi ro khác nhằm tách biệt hoàn toàn việc đặt cược mà họ muốn thực hiện. Bạn có để ý chữ “hedge” trong từ Hedge Fund không, trong forex cũng có 1 chiến thuật gọi là đánh Hedging nghĩa là hình thức đánh cân lệnh Buy và Sell cùng lúc. Bây giờ để rõ hơn về Hedge Fund hãy theo dõi ví dụ sau.
Giả sử bạn là chủ của một quỹ phòng hộ nào đó, bạn đã”ngửi thấy mùi chết chóc” từ hãng điện thoại di động AT & T và bạn quyết định sẽ thực hiện kèo này bằng cách Sell hay short cổ phiếu (kiếm tiền khi cổ phiếu giảm giá). Nhưng thị trường điện thoại di động lại đang có nhiều điểm bất thường nhờ vậy AT & T vẫn “ăn nên làm ra” mặc dù nó đang có vẻ muốn “hấp hối”. Chính vì thế, giá cổ phiếu của AT & T có thể tăng lên và khi thực hiện sell khống sẽ làm bạn mất rất nhiều tiền. Để phòng ngừa rủi ro, bạn ngay lập tức mua một số cổ phiếu của Verizon.
Bây giờ, nếu cổ phiếu của nhà mạng điện thoại di động tăng giá trị, bạn vẫn kiếm được tiền trong trường hợp Verizon tăng nhiều hơn AT & T. Ngược lại, nếu cổ phiếu điện thoại di động giảm, bạn vẫn kiếm được tiền nếu cổ phiếu AT & T giảm nhiều hơn so với Verizon Verizon. Bằng cách tạo ra một vị thế như trên, bạn đã giảm thiểu rủi ro từ chính thị trường để thu lời.
Một cách khác mà các quỹ phòng hộ thực hiện (nếu họ khá chắc chắn về mức cược của họ) thì họ sẽ vay tiền để đặt 1 vị thế lớn hơn. Vẫn là với giao dịch của AT & T-Verizon, họ có thể chỉ kiếm được một chút ít trên mỗi cổ phiếu. Nhưng nếu sử dụng phần lớn tiền vay, họ có thể mua nhiều cổ phiếu mà không cần phải đầu tư quá nhiều vốn. Chính vì thế, không nhất thiết bạn phải có quá nhiều tiền, mà nếu bạn tin chắc rằng bạn sẽ thành công, hoàn toàn có thể đi vay để đặt cược cho phi vụ làm ăn bạn muốn.
Một điều cuối cùng cần lưu ý về các quỹ phòng hộ là người quản lý quỹ sẽ được trả tiền. Các nhà quản lý thường đi đầu tư cho người khác (người giàu, tài sản, v.v.) và họ nhận được phí quản lý để trang trải chi phí quỹ quỹ bao gồm một mức lương nhất định khoảng 20% số tiền được quản lý. Vì vậy, nếu bạn quản lý một quỹ phòng hộ vô cùng lớn, bạn có thể kiếm được một thu nhập khá bất kể quỹ hoạt động như thế nào. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ sức để bạn trở nên giàu có.
Các nhà quản lý quỹ phòng hộ trở thành tỷ phú họ phải thực sự thành công trong việc “đặt cược”. Họ thường kiếm khoảng 20% lợi nhuận mà quỹ tạo ra (giả sử quỹ đáp ứng một số điểm chuẩn tối thiểu). Vì vậy, nếu quỹ của bạn tạo ra lợi nhuận hàng tỷ đô la, bạn và các đối tác của mình kiếm được ít nhất 200 triệu đô la trong số đó. Làm điều đó trong một vài năm, đặc biệt nếu bạn đặt cược nhiều và nhiều hơn nữa. Thì đấy! Bạn chắc chắn sẽ là một tỷ phú.
Vì vậy, trong ngắn hạn, các quỹ phòng hộ cố gắng đặt cược cô lập bằng các công cụ tài chính. Họ vay tiền để làm cho các phần thưởng tiềm năng trở nên lớn hơn và các nhà quản lý quỹ phòng hộ có thể kiếm được rất nhiều tiền khi họ đặt cược đúng. Và đó chính xác là những gì Soros và các đối tác của mình sắp làm.
Một loại tiền tệ đi sai đường đồng nghĩa đó là 1 cơ hội lớn
Vào mùa xuân năm 1992, chỉ một năm rưỡi sau khi Anh gia nhập ERM, tỷ giá hối đoái cố định đã gây ra một vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù luôn trấn an công chúng nhưng chính bản thân bộ phận kho bạc Anh (Exchequer) đã nhận ra rằng đồng bảng Anh đang bị định giá sai so với đồng Mác Đức. Jonathan Portes, một nhà kinh tế học đã viết:
“Vào tháng 5 năm 1992, vấn đề nằm ngay trước mắt chính là mức lãi suất thích hợp đang thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để duy trì vị thế của đồng bảng Anh trong ERM.
Vấn đề cơ bản ở đây chính là việc chúng ta đã tham gia ERM với 1 mức tỷ giá sai; Đồng bảng Anh đã được đánh giá quá cao, có nghĩa là chúng ta đang đã bị mắc kẹt với thâm hụt tài khoản vãng lai cấu trúc. “
Chính phủ Anh biết điều đó và thị trường cũng biết điều đó khi đồng bảng Anh được giao dịch ở mức thấp hơn so với mức thỏa thuận neo giá với đồng Mác Đức.
Điều khiến bảng Anh không giảm mạnh về giá trị là do chính phủ Anh đảm bảo rằng nó sẽ giữ giá trị tăng lên và thị trường cũng tin như thế. Chừng nào mọi người còn tin rằng Anh sẽ cam kết tỷ giá 1 bảng Anh tương đương 2.95 Mác Đức thì hiện trạng vẫn được duy trì.
Điểm chớp cháy (The Flashpoint)
“Thị trường có thể ảnh hưởng đến sự kiện mà họ dự đoán.” George Soros
Trong suốt mùa hè năm 1992, đồng bảng Anh giữ vị trí của mình. Chỉ đến khi Đức bán đứng Anh thì mọi chuyện mới trở nên tồi tệ.
Các quan chức ngân hàng trung ương Đức đã đưa ra rất nhiều bình luận bất lợi có thể gây suy yếu cho đồng bảng Anh như:
“Vào ngày 25 tháng 8, Reimu Jochemsen, một thành viên hội đồng Bundesbank, đã có một bài phát biểu nói rằng có khả năng tái tổ chức trong ERM. Đồng bảng ANh suy yếu. Vào ngày 10 tháng 9, một quan chức Bundesbank giấu tên nói rằng sự mất giá của đồng bảng Anh là không thể tránh khỏi. Đồng bảng Anh sẽ giảm giá. “
Sự kiện cuối cùng như giọt nước tràn ly chính là tại cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Bundesbank Đức, Helmut Schlesinger. Schlesinger chỉ trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal và tờ báo của Đức, với một điều kiện: Nếu các tờ báo này muốn trực tiếp trích dẫn lời của ông ta, họ phải để Schlesinger xem lại toàn bộ các trích dẫn đó. Nếu họ chỉ diễn giải gián tiếp lời nói, việc đó sẽ không được phép.
Đêm đó vào ngày 16 tháng 9 năm 1992, những bài báo trích dẫn lời của Schlesinger đã xuất hiện trên toàn bộ các bản tin:
“Chủ tịch Bundesbank, Giáo sư Helmut Schlesinger, không loại trừ khả năng ngay cả sau khi tái tổ chức và cắt giảm lãi suất tại Đức, một hoặc hai loại tiền tệ có thể chịu áp lực trước cuộc trưng cầu dân ý ở Pháp. Ông cũng thừa nhận trong 1 cuộc phỏng vấn rằng vấn đề sẽ không thể giải quyết một cách triệt để bằng nhiều biện pháp thực thi. “
Ngay sáng hôm sau, tờ báo đã nằm yên vị trên bàn của George Soros. Soros và toàn bộ thị trường tài chính lúc này hoàn toàn tin rằng đồng bảng Anh là một trong những loại tiền tệ mà có thể bị ảnh hưởng và gây mất giá.
Chỉ trong một ngày, câu nói tưởng chừng như vô hại trên đã gần như phá hủy Ngân hàng Anh, nhưng nhờ vậy mà George Soros kiếm được hơn 1 tỷ USD lợi nhuận.
Thị trường đã hiểu rằng Anh không thể nào duy trì tỷ giá hối đoái hiện tại của mình và đó cũng chính là cái kết dành cho đồng bảng Anh sau này.
Phi vụ bán khống của thế kỷ
“Không có cái lý nào trong việc tự tin đi cùng 1 vị thế nhỏ.”- George Soros
Kể từ tháng 8, Soros và Quantum Fund đã mở 1 vị thế 1,5 tỷ đô la bán khống vì tin rằng giá của đồng Bảng Anh sẽ giảm. Bản thân chính phủ Anh hoàn toàn tin tưởng đã tuyên bố rằng đồng bảng Anh sẽ không sụp đổ, không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Nhưng Stanley Druckenmiller, một thành viên cấp cao Quantum Fund, cũng là cánh tay phải của Soros, đã xem bài phỏng vấn Schlesinger và ngay lập tức nhìn ra vấn đề.
Theo Sebastian Mallaby, Tác giả cuốn sách “More Money Than God”, Druckenmiller nói rằng họ đã đặt cược toàn bộ 1,5 tỷ đô la vào bảng Anh và đang xem xét thêm việc bổ sung vị thế.
Nếu câu nói của Schlesinger được xem như là chất xúc tác cho đồng bảng Anh giảm giá, vậy còn chần chừ gì mà không hành động luôn đi?
Chính vì thế, thay vì xây dựng 1 cách từ từ trong việc tạo 1 vị thế Sell với đồng bảng Anh, Quỹ Quantum Fund của Soros đã ngay lập tức bán khống đồng bảng với quy mô chưa từng có. Làm như vậy không chỉ giúp đồng bảng Anh nhanh chóng rơi xuống vực sâu, mà còn làm tăng lợi nhuận của quỹ.
Chính quyết định này đã giúp Quantum Fund kiếm hơn một tỷ đô la, lật đổ chế độ tiền tệ của Ngân hàng Anh, và cuối cùng dẫn đến sự thất sủng của Thủ tướng John Major.
Bán khống thực tế là như thế nào?
Giả sử vào tháng 1 năm 2009 bạn cho rằng Apple Apple iPhone sau khi đã đạt đỉnh 90 USD, giá cổ phiếu sẽ giảm. Làm sao để bạn kiếm lợi nhuận từ suy nghĩ này?
Bạn hoặc nhà môi giới có thể tìm đến ai đó sở hữu một số cổ phiếu Apple và yêu cầu mượn một cổ phiếu Apple từ họ. Tất nhiên, bạn sẽ trả lại cho họ cổ phần cùng tiền lãi đi kèm. Ở thời điểm hiện tại, sau khi vay được cổ phiếu, bạn tiến hành bán cổ phiếu với giá 90 đô la tiền mặt. Hai ngày sau, giá cổ phiếu giảm xuống còn 88 đô la, bạn lấy 88 USD tiền vừa bán cổ phiếu mua lại 1 cổ phiếu, mang đi trả lại cho người bạn mượn. Và thu lại lợi nhuận 2 USD (tất nhiên còn phải trừ chi phí tiền 2 ngày lãi, nhưng ở đây chúng tôi chỉ lấy ví dụ như vậy cho bạn dễ hiểu).
Nếu giả sử, sau khi bạn bán cổ phiếu với giá 90 USD, nhưng cổ phiếu Apple không những không giảm mà còn tăng lên khoảng 600 USD, đồng nghĩa bạn sẽ mất 510 USD để mua lại, không kể tiền lãi đi kèm.
Như vậy, bạn cần phải tính toán kỹ mới có thể sell hay bán khống, bởi nếu không cẩn thận, rủi ro bạn gặp phải là không thể lường trước do sự biến động từ thị trường.
Quay trở lại với việc bán khống đồng bảng Anh thì sao? Trong trường hợp này, bạn phải tìm đến một người hoặc công ty Anh rồi yêu cầu vay tiền từ họ. Họ nói: “đây là 100 Bảng Anh. Chỉ cần trả lại cho tôi bảng Anh sau vài ngày cùng với tiền lãi (theo thỏa thuận trước đó). Bạn cầm 100 bảng Anh đó, và bạn chuyển đổi chúng thành 295 đồng Mác Đức theo tỷ giá hối đoái thỏa thuận.
Chắc chắn bạn đang rất muốn đồng bảng Anh mất giá so với đồng tiền Đức. Tại sao? Bởi vì nếu bảng Anh mất giá 10%, thì bạn chỉ cần chuyển 295 DM đó trở lại thành Bảng Anh để trả lại cho người vay, và vì bảng Anh đang mất giá 10% đồng nghĩa bạn sẽ có 110 bảng. Như vậy sau khi trả 100 bảng và một ít tiền lãi, bạn vẫn còn lời khoảng 10 bảng.
Trong trường hợp bảng Anh không đi theo đúng hướng, thay vào đó tăng giá, thì sao? Bạn sẽ thua lỗ! Tất nhiên! Nhưng với 1 bộ óc như Soros hẳn ông đã tính toán và tin rằng kịch bản này không thể xảy ra vì đồng bảng Anh đã bị định giá quá cao. Nó đã được giao dịch ở dưới đáy của giới hạn mậu dịch (trading band) và điều duy nhất khiến nó vẫn trụ được chính là nhờ sự can thiệp từ chính phủ.
Vì thế hoặc đồng bảng Anh sẽ giữ nguyên giá trị (trong trường hợp đó, quỹ của Soros sẽ không kiếm được tiền, nhưng sẽ không bị thua quá nhiều), hoặc đồng bảng sẽ bị mất giá và công ty sẽ kiếm được một số tiền cực kỳ lớn.
“Nếu các nhà đầu cơ phá vỡ ERM, việc Short hay Sell đồng bảng Anh có thể trở thành một vị thế lợi hại. Ngay cả khi sự mất giá tiền tệ không xảy ra, thì cơ hội cho thấy đồng bảng Anh tăng giá cũng thật mong manh, – nhiều khả năng vẫn ở dưới đáy của giới hạn mậu dịch (trading band). Cái duy nhất mà họ mất chỉ là chi phí giao dịch.” (Sổ tay của các quỹ phòng hộ)
Chính vì thế, sáng hôm đó, Soros và quỹ của ông đã tăng vị thế bán từ 1,5 tỷ USD lên thành 10 tỷ USD. Một sự đặt cược hoàn hảo cho việc giá giảm. Nó giống việc chơi trò sấp ngửa vậy, nếu mặt đồng xu là mặt ngửa (đồng bảng giảm giá), họ kiếm được rất nhiều tiền. Nếu mặt đồng xu là mặt sấp (tỷ giá hối đoái vẫn cố định), họ chỉ mất một khoản tiền nhỏ lãi suất cho vay. Soros đã đặt cược như vậy nên ông đã đổ toàn bộ tiền vào đó ngay cả khi phải vay hàng tỷ USD.
Đánh bại các nhà đầu cơ
“Tổng số vị thế mà chúng tôi thực hiện vào Thứ Tư Đen trị giá gần 10 tỷ đô la. Chúng tôi dự định bán nhiều hơn thế. Thực tế, khi Norman Lamont [bộ trưởng tài chính Anh] nói trước khi bảng Anh mất giá rằng ông sẽ vay gần 15 tỷ đô la để bảo vệ đồng bảng Anh, chúng tôi đã cười thầm vì đó mới chính khoản tiền chúng tôi định Sell.” – George Soros, 1992
Vào lúc châu Âu vẫn đang chìm trong giấc ngủ, Soros đã tiến hành mượn bảng Anh từ bất cứ ai ông có thể mượn. Điều này làm cho vị thế mà Quantum Fund muốn Sell vượt quá 10 tỷ USD, khiến cho nhiều quỹ phòng hộ khác cũng bắt chước, bắt đầu vay và bán bảng Anh.
Và ngay vào khi thị trường London mở cửa hàng chục tỷ bảng đã được bán ra, khiến Đồng bảng Anh gần như nguy hiểm khi giao dịch dưới mức được ủy quyền bởi ERM.
Ngày thứ 4 đen tối của Ngân hàng Anh
Mới đầu, Các quan chức Anh đã phản ứng bằng cách mua 1 tỷ bảng vào lúc 8:40 sáng. Việc mua không ảnh hưởng đến giá của bảng Anh. Cả thế giới đang bán, và chính phủ Anh không đủ sức mua để chống lại tất cả. Ước tính chính phủ Anh đã chi 27 tỷ bảng dự trữ để mua số tiền này mà không thu lại kết quả gì.
Đến 9h sáng, bộ trưởng tài chính Norman Lamont đã liên lạc với Thủ tướng John Major và nói rằng họ không thể mua đủ số bảng Anh nhằm giữ tiền tệ tăng lên.
Lựa chọn tốt nhất để duy trì giao dịch tiền tệ ở mức phù hợp là tăng lãi suất nhằm thu hút mọi người mua bảng Anh nhiều hơn. Nhưng John Major đã từ chối. Nước Anh đang ở trong thời kỳ suy thoái, nếu lãi suất tiếp tục tăng sẽ khiến nền kinh tế bị thu hẹp lại. Đây thực sự là 1 đòn tự sát chính trị.
Lúc này Vốn toàn cầu tiếp tục chống lại bảng Anh. Một tiếng rưỡi sau, Lamont gọi Thủ tướng nhằm đề xuất lại ý tưởng của ông. Thủ tướng đồng ý. Vào lúc 11 giờ sáng, chính phủ Anh tuyên bố sẽ tăng lãi suất 200 điểm cơ bản, từ 10% lên 12%.
Nhưng thật đáng tiếc, dù đã tăng lãi suất lên cao như vậy nhưng đồng bảng Anh gần như không có phản ứng nào, thay vào đó tiếp tục lao dốc. Một lần nữa, để cứu vãn tình hình, chính phủ Anh tiếp tục tuyên bố tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản, từ 12% lên 15%.
Và vẫn như lúc trước, việc tăng lãi suất không hề gây ảnh hưởng chút nào tới đồng bảng Anh.
Thị trường cho thấy Anh sẽ phải phá giá tiền tệ và không có khoản tăng lãi suất hoặc mua tiền tệ nào có thể thay đổi được. Tại thời điểm này, việc Anh sẽ rời khỏi ERM và phá giá tiền tệ chắc chắn sẽ được thực hiện;
Vào lúc 7:30 tối hôm đó, Lamont đã tổ chức một cuộc họp báo để thông báo rằng Anh sẽ rời khỏi ERM và đồng bảng Anh sẽ được thả nổi trên thị trường. Soros và các nhà đầu cơ đã thắng.
Hậu quả của ngày thứ tư đen tối
Lịch sử tài chính của Anh đã xem ngày 17 tháng 9 năm 1992, là “Thứ Tư Đen;” Nhưng với George Soros, thì đó có thể là 1 “Thứ tư tuyệt vời.” Khi Vương quốc Anh thả nổi tiền tệ, đồng bảng Anh đã giảm 15% so với tiền Đức và 25% so với Đô la Mỹ.
Quỹ Quantum Fund của Soros đã bỏ ra khoảng 15 tỷ đô la để thực hiện vụ cá cược đồng bảng Anh sẽ giảm so với các loại tiền tệ khác. Họ phải vay hàng tỷ USD cho giao dịch này, nhưng họ đã đúng. Và đây là toàn bộ những gì xảy ra với quỹ của Soros so với giá của bảng Anh:
Giá trị của quỹ tăng từ 15 tỷ USD lên thành 19 tỷ USD khi đồng bảng Anh được thả nổi; Vài tháng sau, quỹ đã tăng lên thành 22 tỷ USD. Và như có nói trước đó, vì đây là một quỹ phòng hộ, nên Soros và các cộng sự đã kiếm được ít nhất 20% tương đương khoảng 1,4 tỷ đô la.
Bản chất trong giao dịch ở Phố Wall là nếu bạn thắng lớn khi sẽ có người phải thua lớn. Trong trường hợp này, đã có một sự chuyển giao tài sản khổng lồ từ những người nộp thuế ở Anh sang Soros và các nhà quản lý quỹ phòng hộ khác, ước tính khoảng 3,3 tỷ bảng Anh.
Mất hàng tỷ đô la tiền thuế của người dân là chuyện thường xuyên đối với các chính trị gia đến nỗi họ chẳng cần phải bận tâm quá nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, những tác động về mặt chính trị trước 1 hành động kể trên minh chứng rằng đây chỉ là một nhóm người bất tài.
John Major đã biến ERM thành trung tâm của chính sách tiền tệ và khiến cho Anh rơi vào lạm phát. Và cũng chính sự kiện này đã phá hủy toàn bộ uy tín John Major. Nên ông đã phải từ chức, không tranh cử trong lần tiếp theo. Cựu thủ tướng Margaret Thatcher đã đúng: Vương quốc Anh không có doanh nghiệp nào cố gắng hỗ trợ tiền tệ một cách giả tạo trong thời đại mà một số ít các quỹ phòng hộ có thể tập hợp nhiều vốn hơn trong vài giờ so với Ngân hàng Anh.
Như bạn thấy, 1 cá nhân như Soros có thể phá hủy khiến Ngân hàng Anh bị hạ Knock-out chỉ trong vòng 1 ngày. Và bất cứ việc gì cũng có thể tạo ra từ các sơ hở bất ngờ, nên nếu 1 ai đó đủ thông minh, xuất chúng như Soros đều có thể phát hiện và hạ gục chúng.
Cùng thảo luận bài viết